Trong bài viết: BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐIỆN MẶT TRỜI – PHẦN 1, chúng tôi đã hướng dẫn bạn cách vệ sinh và bảo dưỡng các tấm pin năng lượng mặt trời. Ở phần 2 này, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn đến bạn cách bảo dưỡng các hạng mục còn lại của hệ thống điện mặt trời.
4. Bảo dưỡng inverter hệ thống điện mặt trời
Việc bảo dưỡng xuất phát từ những lỗi thường xảy ra cho inverter :
- Mã lỗi cảnh báo bất thường từ inverter
- Các dấu hiệu hư hại bên ngoài inverter
- Mối nối bị lỏng lẻo, móp méo, đấu nối dây không gọn gàng
- Inverter xuống cấp khi chịu mưa nắng trong thời gian dài
- Terminal bị quá nhiệt
- Bụi bẩn bám vào lỗ thoát nhiệt inverter
- Chống sét tích hợp bên trong inverter bị hư hỏng
- Tụ bên trong inverter bị phồng sau thời gian dài hoạt động
Lỗi / Sự cố | Phương án xử lý |
Công tắc DC / inverter bị hư hỏng | Đưa inverter của bạn đến trung tâm bảo hành, bảo trì là phương án an toàn nhất |
Terminal DC/AC bị lỏng | Kiểm tra các terminal đấu nối DC và AC |
Trường hợp 2 : Hệ thống phát điện yếu hơn hệ thống cùng công suất tại khu vực
Lỗi / Sự cố | Phương án xử lý |
Inverter và giàn pin không cấu hình phù hợp | Kiểm tra các thông số thiết kế hệ thống điện mặt trời |
Sụt áp DC/AC lớn | Kiểm tra thiết kế và đo lường sụt áp của hệ thống |
Kết nối sai string, jack đấu nối bị lỏng, không có điện áp tại combiner box, đấu nối sai cực tính +/- vào inverter | Kiểm tra cổng đấu nối, cực tính kết nối vào inverter |
Các tấm pin trên string không cùng hướng và góc nghiêng dẫn đến tổn thất mismatch lớn | Kiểm tra lại thiết kế và đấu nối thực tế hệ thống |
Che bóng khiến giàn pin không cấp đủ công suất để inverter hoạt động | Kiểm tra và khắc phục đổ bóng trên giàn pin |
Inverter quá nhiệt và dừng hoạt động bất chợt vào buổi trưa | Kiểm tra hệ thống thông gió, làm sạch bụi bẩn |
Trường hợp 3 : Hệ thống phát điện yếu hơn so với lần kiểm tra cùng kỳ trước
Lỗi / Sự cố | Phương án xử lý |
Tấm pin bị bụi bẩn hoặc che bóng | Làm sạch và loại bỏ che bóng khỏi giàn pin mặt trời |
Hư hỏng tấm pin, junction box do hệ quả của giông bão hoặc sét đánh | Kiểm tra điện áp và dòng điện tại combiner box kiểm tra diode bypass của các tấm pin |
Hư hỏng cầu chì, dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ | Kiểm tra và thay thế thiết bị |
Trường hợp 4 : Giàn pin không có điện áp / hệ thống không đẩy điện ra lưới
Lỗi / Sự cố | Phương án xử lý |
Không có điện áp DC ở ngõ vào của inverter | CB hoặc cầu dao cách ly DC ở trạng thái mở, kiểm tra thiết bị cắt lọc sét (bị hỏng dẫn đến dẫn ngắn mạch nguồn DC xuống đất), kiểm tra kết nối giàn pin, dây dẫn chạm chập. Mở combiner box kiểm tra điện áp các string |
Có điện áp DC nhưng inverter không hoạt động | Cường độ nắng quá yếu |
Có điện áp DC nhưng inverter không hoạt động phát điện ra lưới | Mất điện AC, hỏng cầu chì AC, hư hỏng thiết bị đóng cắt phía AC, chất lượng lưới điện AC nằm ngoài ngưỡng cho phép ( quá áp, mất pha, sóng hái lớn, thấp áp… ) |
Những điểm cốt lõi khi bảo trì inverter hòa lưới
- Đảm bảo inverter đặt tại nơi thoáng khí
- Đảm bảo ánh sáng trực tiếp không chiếu vào inverter
- Kiểm tra làm sạch bộ lọc bụi nếu cần thiết
- Kiểm tra cổng kết nối DC/AC
- Kiểm tra dấu hiệu bất thường trên board mạch của inverter
- Kiểm tra nối đất cho inverter
- Kiểm tra cầu chì / chống sét của inverter
- Thời gian bảo trì trước 7h sáng và sau 5h chiều để tránh tổn thất về điện năng hệ thống thu được.
Sau quá trình bảo trì inverter bạn sẽ tiếp đến những phần quan trọng còn lại
5. Bảo trì tổng quát hệ thống
Giúp bạn xác định hiểm họa có thể xảy đến cho hệ thống ở mức độ tổng quát sau khi bạn bảo trì hai thành phần chính là tấm pin và inverter.
Lỗi hở mạch
Thường xảy ra khi dây dẫn bị đứt trong quá trình thi công và vận hành do các yếu tố vật lý tác động. Bạn xác định thông qua phương pháp đo thông mạch dây dẫn. Nếu điện trở tăng lên cao đồng nghĩa dây dẫn bị hở mạch.
Sự cố ngắn mạch
Xảy ra khi hai dây bị hư hỏng cách điện chạm chập vào nhau tạo ra dòng điện lớn gây phát nhiệt và hư hỏng dây dẫn. Sử dụng phương pháp đo thông mạch hai dây dẫn bạn thường nhận được giá trị điện trở nhỏ hoặc bằng 0.
Sự cố chạm đất
Khi dây dẫn bị đứt và chạm xuống đất gây nguy hiểm GIẬT ĐIỆN cho người vận hành bảo trì hệ thống.
Thiết bị đóng cắt bảo vệ hư hại
Nổ cầu chì DC, CB bị hỏng cơ cấu đóng cắt, terminal lỏng dẫn đến phát nhiệt…
Lỗi lắp đặt dây dẫn
Dây dẫn DC tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa khiến lớp vỏ nhanh chóng bị lão hóa, hư hỏng vỏ cách điện gây nguy hiểm cho bạn trong quá trình bảo dưỡng, vận hành hệ thống.
Vì vậy đặt dây dẫn tại vị trí có mái che hoặc trong ống nhựa có kích thước phù hợp giúp bạn an tâm về tuổi thọ và sự an toàn cho hệ thống.
Ngoài ra vòng lặp DC lớn ( khoảng không gian giữa dây + và – của một string ) thu hút lượng sét cảm ứng khi có sét đánh gần khu vực giàn pin. Xung sét truyền dẫn theo đường dây DC làm hư hỏng các thiết bị của bạn ( thiết bị đóng cắt, inverter… ).
Do đó kiểm tra và bố trí lại dây dẫn giảm tối đa diện tích vòng lặp giúp bạn an tâm khi hệ thống nằm ở khu vực có mật độ sét lớn.
Tủ điện
Sử dụng ốc siết cáp tại vị trí dây ra vào tủ điện giúp cố định dây dẫn, tạo độ kín cho tủ tránh côn trùng và nước xâm nhập vào bên trong tủ điện.
Bố trí gọn gàng dây dẫn giúp bạn thuận tiện trong quá trình vận hành, kiểm tra và xử lý sự cố. Sử dụng dây rút để làm gọn dây dẫn là một phương pháp hữu ích dành cho bạn.
Hệ thống khung giàn giá đỡ
Đảm bảo hệ thống khung giàn đặt tại vị trí chịu lực tốt, kiểm tra nối đất giàn khung để đảm bảo an toàn cho người vận hành và bảo trì hệ thống.
Tránh để các kết cấu ăn mòn điện hóa lắp đặt chung với nhau (Ví dụ như sắt và đồng)
Kiểm tra các vết rỉ sét và hư hỏng trên khung giàn, siết lại các vị trí ốc cố định nếu cần.
Hệ thống nối đất
Kiểm tra hệ thống nối đất đảm bảo an toàn cho người vận hành hệ thống khi có sự cố chạm vỏ hoặc rò rỉ điện trên tấm pin, inverter, tủ điện…
Đo đạc điện trở nối đất, kiểm tra các vị trí đấu nối dây nối đất ( PE ) với thiết bị và giàn khung, máng cáp.
Và cuối cùng là một trong những vấn đề bạn có thể kiểm tra được mỗi ngày ngay trên điện thoại của bạn
Hệ thống giám sát điện mặt trời
Theo dõi hệ thống giám sát mỗi ngày giúp bạn phát hiện sớm và chuẩn đoán, khắc phục sự cố có thể xảy đến với hệ thống điện mặt trời.
Các thông số sau trên phần mềm giám sát giúp bạn biết trạng thái hệ thống ( số lượng thông số thay đổi tùy theo từng hãng )
- Sản lượng điện hệ thống theo thời gian thực
- Sản lượng điện hệ thống tạo ra theo ngày / tháng / năm
- Điện áp DC/AC tối đa
- Dòng điện DC/AC tối đa
- Số giờ hoạt động của hệ thống
- Tần số điện áp nhỏ nhất và lớn nhất
- Hiệu suất hiện tại của hệ thống
- Lỗi và cảnh báo xảy ra với hệ thống
Các câu hỏi thường gặp ( FAQ )
Tại sao bạn cần bảo dưỡng giàn pin và hệ thống điện năng lượng mặt trời của bạn?
Bảo dưỡng giúp thiết bị và toàn hệ thống của bạn duy trì trạng thái tốt nhất để hoạt động mang lại hiệu suất ổn định và tạo ra điện năng nhiều nhất trong thời gian dài.
Bao lâu bạn cần vệ sinh giàn pin mặt trời 1 lần?
Vệ sinh định kỳ từ 2-4 lần/năm. Sau khi vệ sinh bạn theo dõi sự thay đổi sản lượng và điều chỉnh kế hoạch phù hợp.
Dấu hiệu để biết giàn pin cần bảo trì bảo dưỡng?
- Theo dõi qua hệ thống giám sát đặc biệt là các thông báo về lỗi xảy ra với inverter / hệ thống
- Căn cứ vào hóa đơn tiền điện và lượng điện mặt trời thu được so với thời gian cùng kỳ
- Hiệu suất hệ thống giảm sút hơn 10% so với khi mới lắp đặt
Có nên tự bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời?
Thuê đội ngũ chuyên nghiệp giúp bạn tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro nguy hiểm khi bảo dưỡng hệ thống, nhất là vệ sinh giàn pin mặt trời ( làm việc ở độ cao lớn trong điều kiện ẩm ướt ).
Đặc biệt việc tự bảo dưỡng cần trang bị các công cụ chuyên dụng với giá trị lớn và đòi hỏi chuyên môn để sử dụng.