Người dân tại nhiều quận, huyện ở TPHCM đang “đua nhau” lắp điện mặt trời nhằm giảm chi phí tiền điện mỗi tháng. Sau hơn 5 năm, người dân sẽ hoàn vốn đầu tư công trình.
Nhiều người dân tại TPHCM đang tiến hành lắp đặt điện mặt trời áp mái nhằm giảm tiền điện tiêu thụ hàng tháng.
Chị Minh Hương (ngụ quận 2) cho biết, trong tháng 3 và tháng 4/2020, tiền điện của gia đình chị đã tăng gấp 2 lần so với bình thường. Chính vì vậy, gia đình chị đã tìm hiểu và quyết định lắp hệ thống điện mặt trời áp mái vào tháng 7 này.
“Diện tích mái nhà của tôi rộng gần 100m2 nên có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời khoảng 15kWh trị giá 225 triệu đồng. Mỗi tháng, hệ thống điện mặt trời áp mái có thể sản sinh khoảng hơn 3,4 triệu đồng tiền điện”, chị Hương nói.
Theo chị Hương, với mức giá mua điện mặt trời như hiện nay là 1.943 đồng/kWh thì gia đình chị Hương sẽ hoàn vốn đầu tư sau hơn 5 năm sử dụng.
Không chỉ có gia đình chị Hương, nhiều hộ gia đình tại quận 2, quận 9, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh cũng đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm kéo giảm chi phí tiền điện hàng tháng.
Cũng theo nhiều người dân đã lắp hệ thống điện mặt trời, việc sử dụng nguồn điện thân thiện với môi trường cũng giúp cho mái nhà của họ đỡ nóng bức hơn và kéo giảm nhiệt độ bên trong.
Ông Lưu Văn Triệt, đại diện một doanh nghiệp chuyên thi công điện mặt trời chia sẻ, tại khu vực TPHCM, người dân chủ yếu lắp đặt những hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất từ 5 – 15kWh.
“Cứ 6m2 diện tích mái nhà thì lắp đặt được khoảng 1kWh điện mặt trời. Mỗi kWh chúng tôi thi công trọn gói là 15 triệu đồng. Khách hàng có thể chọn loại pin mặt trời xuất xứ từ Canada hoặc Hàn Quốc và bộ chuyển đổi điện (biến tần) của Đức, Áo, Trung Quốc… Mức giá thi công thay đổi tùy vào lựa chọn vật liệu của khách hàng”, ông Triệt nói.
Theo ông Triệt, hiện nay, rất nhiều người dân tại TPHCM đang có nhu cầu lắp điện mặt trời áp mái. Mỗi ngày, công ty ông đều nhận được vài chục cuộc điện thoại gọi đến để tư vấn lắp đặt điện mặt trời.
Đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, đơn vị này đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động lắp đặt điện mặt trời áp mái cho người dân. EVN HCMC đã phối hợp với Ban quản lý các Khu chế xuất & công nghiệp TPHCM (HEPZA) và Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TPHCM để phát triển điện mặt trời áp mái tại các doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng vận động các doanh nghiệp tiềm năng trong khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã lắp đặt 2.575 công trình với công suất đạt 39,91 MWp. Nếu tính lũy kế từ năm 2019 thì TPHCM đã thực hiện tổng cộng 8.082 công trình với công suất là 105,64 MWp”, đại diện EVN HCMC nói.
Cũng theo đại diện EVN HCMC, tại các trụ sở của ngành điện lực cũng đã có 23/23 đơn vị và 45 trạm 110-220kV đã lắp đặt điện mặt trời, đạt công suất 5,26 MWp.
EVN HCMC cũng đã ký kết hợp tác phát triển điện mặt trời áp mái với 3 nhà cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời. Theo đó, các nhà cung cấp này sẽ đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA), hiện nay, các thủy điện và nhiệt điện đang thiếu nước, thiếu than dẫn đến nguồn điện năng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Chính vì vậy, điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo đang được nhà nước khuyến khích phát triển. Các khu công nghiệp của TPHCM cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo.
“Chúng ta có 17 khu chế xuất – KCN với diện tích lên tới hơn 4.140 ha, trong đó có 2.700 ha đất công nghiệp với 1.800 ha đã được xây dựng 1.500 nhà máy. Khu công nghệ cao có 900 ha xây dựng 80 nhà máy. Như vậy, tính toán sơ bộ có khoảng từ 500 – 1.000 ha diện tích mái nhà để lắp điện mặt trời áp mái”, ông Bé nói.
Cũng theo ông Bé, hiện nay, khung pháp lý về điện mặt trời đã hình thành và vận hành thuận lợi. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 55 định hướng về điện năng trong việc thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong đó, hết sức khuyến khích điện mặt trời và điện gió.
Ngoài ra, Quyết định 11, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 16 và Thông tư 05 của Bộ Công Thương cùng các văn bản cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang tạo thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời.
Theo Hiệp hội HBA, từ năm 2020 – 2024, các khu chế xuất – KCN tại TPHCM hoàn thành mục tiêu phát triển được 1.000Mwp công suất điện mặt trời áp mái thì sẽ giảm được từ 10 – 15% lượng điện năng tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị và giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Đại Việt