Điểm mặt các nhà đầu tư vào điện mặt trời tại Việt Nam với xu hướng mới.

Điện mặt trời – Điểm mặt các nhà đầu tư vào Việt Nam

vss

Cuối tháng 10, nhiều trang tuyển dụng đăng tin tập đoàn BIM Group tuyển nhân sự cho mảng năng lượng tái tạo theo chiến lược của tập đoàn này. Vị trí được tuyển dụng được hiểu là một nhân viên cấp cao và sẽ đảm nhận nhiều nhiệm vụ từ tham mưu các đề xuất của đơn vị tư vấn thiết kế nhà máy điện mặt trời, đề xuất báo cáo khả thi, lựa chọn công nghệ nhà máy phát điện….đến đàm phán mua bán điện.

Là tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và khách sạn nhưng BIM Group cũng đầu tư lớn vào lĩnh vực lương thực và thực phẩm. Trong đó, tập đoàn sở hữu ruộng muối lớn nhất Đông Nam Á với diện tích 2.500 ha tại Ninh Thuận và công suất 200 ngàn tấn muối/năm.

Tại đây, BIM Group từng có kế hoạch phát triển dự án điện gió công suất 500 MW, tuy nhiên theo kế hoạch mới, 2.300 ha sẽ được sử dụng để phát triển dự án điện mặt trời với tổng công suất 1000 MW.

Kế hoạch mới bao gồm 3 giai đoạn, nhà máy 40 MW xây dựng trong năm 2017-2018, hai nhà máy có tổng công suất 350 MW tiếp theo được phát triển trong năm 2018 – 2019, hơn 500 MW còn lại sẽ được triển khai sau năm 2019.

Không chỉ BIM Group, hàng chục công ty khác đang chạy đua đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ, nơi có mật độ giờ nắng bình quân/năm cao nhất cả nước, để phát triển các dự án điện mặt trời tạo nên một cơn sốt trong thời gian gần đây.

Điều này diễn ra mạnh mẽ hơn sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Trong đó nhà đầu tư được nhiều ưu đãi về thuế, vốn, tiền thuê đất…Đặc biệt giá bán điện mặt trời cho EVN sẽ ở mức 9,35 Uscent/KWh, cao hơn đáng kể so với giá bán lẻ điện bình quân là 7,3 UScent/kWh và theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/ năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực ĐBSCL

Vietnam PVOUT mid size map 156x220mm 300dpi v20170921

Tập đoàn mía đường Thành Thành Công giữa năm 2017 đã công bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Tổng công suất dự kiến là 1.000 MW và một số dự án bắt đầu được khởi công vào quý IV/2017.

Một công ty khác của Việt Nam là Bamboo Capital đã hợp tác với tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), Unisun Energy (HongKong) và Coara Solar (Đức) đang đầu tư 2 nhà máy điện mặt trời tại Long An có tổng công suất 140 MW. Công ty còn đang đề xuất các dự án điện mặt trời tại Gia Lai có công suất 400 MW.

Mới đây, USAID, nhà tài trợ cho Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP), đã ký kết hỗ trợ phát triển dự án điện mặt trời Tịnh Biên công suất 210 MW, quy mô vốn 193 triệu USD. Dự án do tập đoàn Sao Mai (An Giang) làm chủ đầu tư.

Trước đó, công ty Fujiwara của Nhật Bản cũng được tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án điện 100 MW trị giá 64 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là điện mặt trời 64 MW dự kiến hoành thành vào năm 2019.

Tại Đăk Lắk, theo thông tin từ Tạp chí Năng lượng Việt Nam, có 15 nhà đầu tư đã được tỉnh chấp thuận cho khảo sát và lập dự án. Trong đó, các dự án của Công ty Xuân Thiện Ninh Bình (2.000 MW – 2,2 tỷ USD), Tập đoàn AES – Mỹ (300 – 500 MW – 750 triệu USD), Công ty ĐT&PT Hạ tầng Long Thành (250 MW – 310 triệu USD) đang chờ phê duyệt quy hoạch. Tập đoàn TH True-Milk cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy điện mặt trời tại tỉnh này với công suất 1.117 MW.

Tại Khánh Hòa, 4 dự án quy mô dưới 50 MW được tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư. Riêng dự án điện mặt trời Long Sơn, công suất 200 MW (vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng) đang được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương.

Tại Tây Ninh, 18 dự án điện mặt trời đăng ký xin chủ trương đầu tư với tổng công suất 2.889MW, trong đó, 17 dự án có tổng công suất 889MW (thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2019) và 1 dự án của Công ty TNHH Xuân Cầu với tổng công suất 2.000MW triển khai tại hồ Dầu Tiếng, quy mô 51 nghìn tỷ đồng.

Hồi đầu tháng, tập đoàn SY Group của Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ với tỉnh Bạc Liêu về dự án điện mặt trời quy mô 300 MW, vốn đầu tư 450 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 sẽ triển khai 50 MW. Đây được xem là dự án điện mặt trời công suất lớn nhất hiện nay.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhà sản xuất điện lớn nhất của Việt Nam cũng không đứng ngoài cơn sốt điện mặt trời. Được biết EVN và các đơn vị thành viên đang triển khai các bước quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án, với tổng công suất khoảng 3.100MW.

Trong đó, công ty mẹ EVN đã xác định địa điểm và lập quy hoạch 4 dự án tổng công suất khoảng 575MW và đang nghiên cứu 2 dự án công suất 250 MW.

Các tổng công ty Phát điện (EVN Genco) sẽ đầu tư 17 dự án, tổng công suất khoảng 1.700MW. Trong đó, Genco 1 thực hiện dự án điện mặt trời Đồng Nai 4 (50MW). Genco 2 thực hiện 4 dự án, tổng công suất khoảng 309 MW. Genco3 thực hiện 7 dự án, tổng công suất khoảng 1.279 MW. Mới đây, Genco3 đã đề xuất 2 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận với tổng công suất 350 MW, trị giá đầu tư khoảng 9.576 tỷ đồng.

Trong quy hoạch điện mới nhất, Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời vào năm 2020 là 850 MW, 2015 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Tuy nhiên điện năng từ nguồn điện mặt trời vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nguồn điện Việt Nam.

Báo điện tử Chính phủ dẫn nguồn chương trình Năng lượng của USAID cho biết, đến tháng 7 có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.

Theo đó tỉnh Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, thu hút khoảng 140 dự án. Tiếp theo là tỉnh Bình Thuận khoảng 100 dự án, Đắk Lắk 13 dự án và Khánh Hòa 12 dự án…

Cùng với nhu cầu điện gia tăng, chi phí đầu tư cho điện mặt trời ngày càng giảm đã thúc đẩy các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đổ tiền vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Nhiều tập đoàn nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư tài chính và công ty phát triển điện mặt trời có kinh nghiệm đang chiếm lĩnh thị trường bằng cách mua cổ phần dự án hoặc xin cấp phép trực tiếp.

Nguồn: Sưu tầm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *